Ăn Chay Theo Phong Cách Yoga
Cùng với yoga, ẩm thực yoga ra đời dựa trên những nghiên cứu khoa học, trong đó nhấn mạnh về khía cạnh prana – tinh chất của vũ trụ trong thực phẩm mà chúng ta ăn vào.
1. Nguyên lý cơ bản của việc ăn chay yoga
Theo cuốn sách “Food for thought” của tác giả Avadhutika Anandamitra Acarya, những nhà hiền triết Ai Cập vĩ đại (Platon, Socrates, Pythagores…), hay tín đồ lỗi lạc nhất của Thánh Mohammed đều khuyên con người nên ăn chay.
Cùng với yoga, ẩm thực yoga ra đời dựa trên những nghiên cứu khoa học, trong đó nhấn mạnh về khía cạnh prana – tinh chất của vũ trụ trong thực phẩm mà chúng ta ăn vào. Các nhà tiên tri cổ xưa đã chia thức ăn thành 3 loại, tương ứng với 3 dòng lực của vũ trụ luôn luôn hoạt động đồng thời lên vạn vật (kể cả thực phẩm), để đặt tên cho các nhóm thực phẩm bị từng lực chế ngự, từ đó để khuyên con người nên sử dụng từng loại thực phẩm (hoặc kết hợp với nhau) cho có hiệu quả tốt nhất.
Thực phẩm trị giác (lực tri giác): Giúp cơ thể khoẻ mạnh, tinh thần sáng suốt, minh mẫn, bình ổn và sáng tạo. Bao gồm: hoa quả, phần lớn các loại rau củ, ngũ cốc (lúa gạo, nếp, lúa mì, kê, các loại hạt đậu), một số các loại cây thảo (lá mùi, lá húng tây…) và gia vị nhẹ (bột gừng, bột nghệ, quế, cumin, cardmom, bột tiêu đen…), các loại hạt có vỏ cứng (hạt dẻ, hạt điều, hạnh nhân…), sữa và các sản phẩm từ sữa, đường mật và các loại rau thơm.
Thực phẩm thân thể (Lực động): Có lợi cho thân thể, nhưng không có lợi cho tâm trí. Tuy nhiên, khi lực này chiếm ưu thế trong tâm trí, cơ thể trở nên bị kích động, bồn chồn và thao thức. Nhóm thực phẩm động có thể sử dụng ở những vùng khí hậu lạnh để điều chỉnh nhiệt lượng trong cơ thể: nước uống có cacbonat, rượu được chưng cất, lên men từ hoa quả, nước chè, café, sô-cô-la, ca cao, các loại gia vị mạnh (ớt đỏ, ớt vàng…), và một số loại thuốc tân dược.
Thực phẩm tĩnh (Lực tĩnh): Có thể tốt hoặc không tốt cho cơ thể – tùy vào hàm lượng sử dụng và cơ địa của mỗi người, không có lợi cho tâm trí, gây cảm giác lờ đờ, làm đình trệ sự sáng tạo, giảm đi tư duy phát triển chiều sâu. Cần tránh dùng thức ăn tĩnh: nấm, hành, giá, thịt các loại, cá, đường trắng, rượu không làm từ hoa quả, thuốc lá và thuốc phiện… Trừ phi được chỉ định để điều trị mới dùng với hàm lượng thích hợp.
2. Những điều nên khi ăn theo phong cách yoga
– Ăn thực phẩm có màu trắng như sữa, chuối, dưa chuột, củ cải trắng… vào buổi sáng, vì thời điểm này, thực phẩm phát huy nguồn năng lượng tối ưu mà không làm dư thừa năng lượng trong cơ thể như khi ăn vào buổi tối.
– Dùng dầu thực vật nguyên chất như dầu dừa, dầu ô liu để nấu ăn. Không dùng nhiều đường, các loại thức ăn có mỡ.
– Ăn các loại ngũ cốc còn nguyên cám và các loại thức ăn không tinh chế.
Sữa bổ sung lượng đạm cho cơ thể để thay thế thịt, xương động vật
– Ăn điều độ, không quá no.
– Ăn trong tâm trạng vui vẻ và thanh thản để giúp cho tiêu hoá tốt.
– Không ăn quá nhiều loại thức ăn khác nhau, bởi sẽ làm cho hệ tiêu hoá suy yếu đi.
– Nhai kỹ thức ăn trước khi nuốt.
– Ngồi thẳng lưng khi ăn để năng lượng có thể tự do đi lên dọc cột sống, không có áp lực đè lên các cơ quan tiêu hoá.
– Nghỉ ngơi sau mỗi bữa ăn, tránh ăn vặt giữa các bữa.
– Uống nhiều nước hàng ngày, và không ăn quá muộn về đêm, trước khi đi ngủ.
– Tắm sơ trước khi ăn bởi cơ thể sản sinh nhiều nhiệt trong và sau bữa ăn.
Thức ăn yoga là thức ăn tinh khiết, do vậy phải nắm vững tính chất của các thực phẩm tạo nên thực đơn thích hợp cho riêng mình. Ngoài ra, những người ăn theo phong cách yoga cũng phải thường xuyên tập thiền và thực hiện các động tác asanas để cân bằng và kiểm soát được nguồn năng lượng trong cơ thể, giúp cơ thể dẻo dai, đồng thời làm trong sạch tinh thần, không vướng bận đến thức ăn động vật.
(Theo Di Di Ananda Mitra, Vĩnh Phụ và Liên Hương)